terça-feira, 22 de dezembro de 2009

Copenhagen - Đoạn kết của một sự khởi đầu?

 Mark Kent

Mặc dù có đôi chút thất vọng về thủ tục trong hai tuần qua tại Copenhagen, chúng ta đã đạt được những tiến triển quan trọng. Chúng ta đã thông qua một bản hiệp ước, trong đó lần đầu tiên thống nhất sẽ hành động để giới hạn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, đưa ra một danh sách những cam kết cắt giảm phát thải của các nước phát triển và các nước đang phát triển, đồng thời thiết lập một cơ chế thanh tra nghiêm ngặt nhằm đảo bảo các nước phát triển và các nước đang phát triển hoàn thành mức cắt giảm phát thải như đã đặt ra, với báo cáo bắt buộc tiến hành hai năm một lần. Quan trọng hơn, bản hiệp ước mang lại nguồn viện trợ tài chính từ các nước phát triển nhằm giúp các quốc gia kém phát triển nhất ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu: 30 tỉ đô la giải ngân ngay trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2012 và đạt 100 tỉ đô la mỗi năm vào thời điểm 2020. Những biện pháp này tốt cho môi trường, tốt cho kinh tế, và là dấu hiệu rõ ràng cho bước chuyển mình sang nền kinh tế ít các bon.

Tuy nhiên, bản hiệp ước không phải là tất cả những gì chúng ta đã mong muốn đạt được, bởi nó chưa có tính ràng buộc pháp lý. Nhiệm vụ lúc này là phải thuyết phục được những nước còn chưa sẵn sàng cho một hiệp ước pháp lý và nhanh chóng tiến tới một hiệp ước như vậy. Thủ tướng Anh sẽ dẫn đầu một chiến dịch quốc tế nhằm biến các nỗ lực chung thành một hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý sớm nhất có thể, và chúng tôi quyết tâm để Liên minh Châu Âu (EU) đạt mức cam kết cắt giảm 30% vào năm 2020, đồng hành với các quốc gia khác thực hiện những tham vọng cao nhất của họ.

Nhưng rõ ràng bản hiệp ước là một bước tiến quan trọng. Chúng tôi đã quyết định ghi nhận những gì đã đạt được và gây áp lực nhiều hơn để tiến xa hơn trong những tháng tiếp theo. Nước Anh đã đi đầu trong việc tác động để thế giới có những bước tiến như ngày hôm nay. Suốt một năm qua chúng tôi đã tác động các nước phát triển khác để họ đưa ra những đề xuất hỗ trợ tài chính mang tính chắc chắn cho các nước đang phát triển, và điều này có thể thấy rõ trong bản hiệp ước vừa đạt được tại Copenhagen. Đối với nước Anh, những lợi ích khi chuyển sang nền kinh tế ít các bon là rất rõ ràng, và chúng tôi đồng lòng ủng hộ cam kết của nước mình là giảm 34% mức phát thải vào năm 2020, và sẽ nhiều hơn thế nếu EU đạt mức giảm 30%.

Về những gì đạt được, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã gọi đó là "một bước khởi đầu có lợi." Tuy nhiên, tôi không thể không nhìn lại tấm áp phích ở trong phòng làm việc của mình, tấm áp phích của Hội nghị Biến đổi Khí hậu đầu tiên của Liên Hợp Quốc tại Rio de Janerio năm 1992 mà tôi có dịp tham dự. Trên tấm áp phích này cũng có dòng chữ "một sự khởi đầu tốt đẹp". Từ đó tới nay, 17 năm đã trôi qua và lúc này chúng ta vẫn đang "khởi đầu tốt đẹp", chính vì thế, tôi hi vọng rằng chúng ta đang đi đến gần đoạn kết của cái khởi đầu tốt đẹp này, nói theo cách của Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill. Tất nhiên điều chúng ta cần lúc này là các quốc gia đẩy mạnh hoạt động, hướng tới đưa ra những cam kết có tính ràng buộc pháp lý trong vòng sáu tháng tới.

Cũng trong tuần này, tôi được biết dường như Liên minh Châu Âu sẽ gia hạn việc áp thuế chống bán phá giá lên giầy nhập khẩu từ Việt Nam thêm 15 tháng nữa. Chính phủ Anh đã công khai phản đối kịch liệt việc gia tăng thời hạn áp thuế chống bán phá giá này. Việc triển khai áp thuế trực tiếp tác động xấu tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong giai đoạn khó khăn kinh tế, và nước Anh không tin có một lí do kinh tế thuyết phục nào để triển khai việc áp thuế này. Như tôi đã nói, con đường đi lên của nền kinh tế thế giới là phải thông qua thương mại tự do, chứ không phải thông qua các biện pháp bảo hộ. Cụ thể là, chúng tôi tin rằng việc nhập khẩu giầy từ Việt Nam vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU) là có lợi cho người tiêu dùng Châu Âu cũng như các doanh nghiệp sản xuất giày Việt Nam. Không một quốc gia hay khu vực nào nên bảo hộ các ngành không còn tính cạnh tranh toàn cầu bởi việc bảo hộ này hoàn toàn không có ý nghĩa kinh tế; thay vào đó, việc nên làm là tập trung vào lĩnh vực mà quốc gia mình có lợi thế so sánh và theo đó tái đào tạo nhân sự. Nước Anh và bản thân tôi sẽ kiên định với những luận điểm này.

Ngoài những trăn trở liên quan đến công việc, tôi cũng gặp chút chuyện trong cuộc sống hằng ngày. Tôi (và tôi đoán là hầu hết những người dân sống cùng khu phố của tôi nữa) hoàn toàn mất ngủ bởi tiếng ồn từ công trình xây dựng cách nhà tôi mấy nhà. Tôi vẫn chưa biết có quy định nào ở Việt Nam buộc các công trường xây dựng phải chú ý tới khu vực dân cư xung quanh và không gây ồn vào những giờ nghỉ ngơi hay không. Công việc xây dựng tòa nhà mà tôi đang nói đến (tòa nhà văn phòng khá to cạnh mấy ngôi nhà nhỏ) được tiến hành đến tận đêm khuya (sau nửa đêm) và khi trời còn tờ mờ sáng (khoảng 6 giờ sáng), họ lại tiếp tục, cứ như vậy 7 ngày trong tuần. Những quy định về quy hoạch đô thị là vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm cân bằng giữa quyền lợi và nhu cầu của mỗi cộng đồng dân cư và quyền lợi và nhu cầu của các công trình xây dựng.

Thế nên, để có thể nghỉ ngơi một chút, tôi cùng gia đình tới thăm Nha Trang. Chúng tôi ở đó ba ngày, nơi chúng tôi đã gặp một phụ nữ người Anh, và tôi hy vọng chị sẽ giúp chúng tôi về những vấn đề lãnh sự ở đó (vì Nha Trang đã trở thành một điểm đến du lịch có vị trí ngày càng quan trọng). Mọi thứ đều tuyệt vời cho đến hôm cuối cùng, khi một cơn bão đổ về Nha Trang khiến chuyến bay của chúng tôi về Hà Nội bị hoãn 4 tiếng (đây là lần thứ 2 trong vòng một tuần tôi phải chờ hàng giờ cho một chuyến bay bị hoãn). Và hôm nay, tôi cùng đội bóng của Đại sứ quán Anh có mặt trên sân cho một trận đấu bóng và được thông báo là thời gian đã thay đổi (lùi lại nửa tiếng), sau đó lại được thông báo là sẽ chẳng có trận đấu nào cả vì sân bóng đã bị đặt cho một trận khác! Cuối cùng là việc tôi lại bị thêm một trận cảm cúm nữa vì nhiệt độ đột ngột giảm mạnh ở Hà Nội.

.

Các em nhỏ đón Ông già Noel trong bữa tiệc Giáng Sinh của Đại sứ quán Anh
ngày 16 tháng 12 năm 2009

Nhưng may mắn là tất cả không phải chỉ toàn tin xấu. Trước tiên, tuần vừa rồi tôi biết tin Cựu Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam, cô Kara Owen, đã sinh được một bé gái và cả hai mẹ con đều khỏe mạnh. Thứ hai, ông già Noel đã quyết định ghé thăm bữa tiệc Giáng Sinh của Đại sứ quán Anh (bạn thấy ông ấy giống ai từ bức ảnh trên) và Phó Đại sứ Peter Connolly (trong thời gian tôi nghỉ phép) đã tới dự buổi tiệc Giáng Sinh của các gia đình người Anh tại Hà Nội. Còn nữa, Nhóm Hành động Xanh của Đại sứ quán Anh đã tổ chức một buổi dã ngoại rất vui ở khu nghỉ dưỡng Tản Đà. Tại đây chúng tôi đã có nhiều hoạt động, trong đó có đi xe đạp (giải thưởng cho tất cả các hoạt động luôn là một cái cây nhỏ). Ngoài ra, tôi đang nóng lòng chờ buổi hẹn uống bia hơi và hát mừng Giáng Sinh với các đồng nghiệp của Bộ Ngoại giao Việt Nam tuần này. Cuối cùng, mặc dù đội tuyển U23 Việt Nam đã có khoảng thời gian buồn khi thua trong trận chung kết gặp Malaysia, các bạn đã thi đấu tốt. Xin chúc mừng đội tuyển nữ Việt Nam đã rất xuất sắc giành chiến thắng trong trận chung kết bóng đá nữ SEA Games!

Nhóm Hành động Xanh của Đại sứ quán Anh tổ chức hoạt động ngoài trời, kêu gọi bảo vệ môi trường
ngày 19 tháng 12 năm 2009.

Trong những ngày có nhiều điều phiền lòng hay gặp khó khăn, tôi luôn tự nhủ cần phải nhẫn nại, kiên cường, và cố gắng dựa vào những điều tích cực. Với những ai chờ đón Giáng Sinh, tôi chúc các bạn một Giáng Sinh vui vẻ!

*Xem nguyên văn bài bằng tiếng Anh
Click here
for English text of blog

Sem comentários: